Theo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1-1-2020, cho phép lực lượng chức năng dùng hình ảnh của nhân dân cung cấp để xử phạt vi phạm giao thông. Theo đó, người có thẩm quyền xử phạt được sử dụng các thông tin, hình ảnh thu được từ thiết bị ghi âm, ghi hình của tổ chức, cá nhân cung cấp để làm căn cứ xác minh, phát hiện hành vi vi phạm quy định giao thông nhằm góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân tham gia giao thông.
Ông Hồ Quốc Sĩ, ở phường Long Hòa, quận Bình Thủy, bày tỏ: “Tôi rất đồng tình với những quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, nhất là quy định xử phạt ở mức rất cao đối với người đã uống rượu, bia tham gia giao thông. Hằng ngày, tôi chạy xe hon-đa ôm, chứng kiến nhiều người đã uống rượu, bia điều khiển xe lưu thông trên đường, rất nguy hiểm… Bây giờ, có thêm quy định cho phép cảnh sát giao thông sử dụng hình ảnh của người dân ghi nhận hành vi vi phạm giao thông để xử phạt vi phạm hành chính, tôi rất ủng hộ. Quy định này giúp lực lượng chức năng có thể xử phạt người điều khiển giao thông vi phạm mọi lúc, mọi nơi, kể cả giờ nghỉ…”.
Quy định cho phép lực lượng chức năng dùng hình ảnh của nhân dân cung cấp để xử phạt vi phạm giao thông, có hiệu lực từ ngày 15-1-2020. Tuy nhiên, những hình ảnh mà tổ chức, cá nhân cung cấp phải khách quan, trung thực, phản ánh rõ ràng về không gian, thời gian, địa điểm đối tượng vi phạm; đặc biệt là còn thời hiệu xử phạt theo quy định của Luật Xử phạt vi phạm hành chính. Với hình ảnh người dân cung cấp, lực lượng chức năng không xử phạt ngay mà còn phải xác minh chính xác, thu thập chứng cứ, tình tiết, rõ ràng hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông mới xử phạt theo luật định…
Nghị định 100/2019/NĐ-CP có những chế tài mạnh, nhiều quy định xử phạt mới, mức phạt tăng cao, đủ sức răn đe. Việc cho phép người dân ghi hình những trường hợp vi phạm quy định về an toàn giao thông sẽ góp phần giúp lực lượng chức năng xử phạt nghiêm hành vi này; đồng thời, hình thành thói quen tự giác chấp hành pháp luật của mọi người khi tham gia giao thông, góp phần kiềm chế và làm giảm tai nạn giao thông…
Nguồn: Báo Cần Thơ